Khi phụ nữ sáng tạo
VHO- Từ những người phụ nữ quanh năm chỉ biết làm nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, mùa màng, họ đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, lợi thế địa phương để tăng thu nhập, nhờ tham gia dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp” (WEAVE).
Tổ chị em cùng sở thích giúp đỡ chị Trần Thị Dung Ảnh: TRUNG HIẾU
Dự án được thực hiện từ tháng 8.2016 – 3.2021 tại Lào Cai và Bắc Kạn. Dự án nhằm hỗ trợ cải thiện sinh kế cho hơn 1.800 phụ nữ, được thực hiện bởi liên minh ba tổ chức phi chính phủ quốc tế CARE, Oxfam và SNV với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia.
“Thua keo này bày keo khác”
Tại Lào Cai, dự án WEAVE được triển khai đối với chuỗi giá trị lợn và chuỗi giá trị quế, thực hiện trên địa bàn hai huyện Bắc Hà và Bảo Thắng. Sau 4 năm, Dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp cho phụ nữ nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới.
Cách đây mấy tháng, gia đình bà Nguyễn Thị Thai (sinh năm 1964, thôn Hang Đa, xã Xuân Quang, huyện Bắc Hà) đã bị mất toàn bộ cả đàn lợn gồm 4 lợn nái sắp đẻ, 10 lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng vì dịch tả lợn châu Phi. Tuy buồn, nhưng không chán nản thất vọng, bà đã khử khuẩn chuồng lợn, vệ sinh toàn bộ khu vực chuồng để đủ điều kiện sẽ tiếp tục nuôi lợn. Trong lúc chờ thời gian khử khuẩn, bà Thai đã không ngồi yên mà chuyển hướng sang nuôi ngan, chỉ mấy tháng bà đã xuất chuồng hơn 200 con. Hiện chuồng của bà chỉ còn hơn 50 con, nhưng đã bổ sung thêm 2 con lợn đen để thử nghiệm. Nếu 2 con lợn này an toàn, bà sẽ đầu tư thêm để quay trở lại nhân đàn lợn. Bà Thai cho biết, trước đây khi chưa tham gia tổ chăn nuôi của dự án WEAVE khi gặp khó khăn sẽ khó xoay sở, nhưng hiện nay bà đã tự tin lên rất nhiều. Mỗi lần họp tổ, các chị em thành viên lại động viên, khích lệ nhau nên “thua keo này bày keo khác”.
Chị Lê Thanh Hương, Trung tâm khuyến nông, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, tất cả các ý tưởng, sản phẩm đều của bà con nông dân, họ nghĩ ra nhưng không có điều kiện, hỗ trợ để biến điều đó thành hiện thực. Chẳng hạn chị Trần Thị Lan (thôn Khởi Bung, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà), tổ trưởng tổ chị em cùng sở thích thôn Khởi Bung nhà nuôi lợn nhưng thịt lợn rẻ bán thì không đủ vốn, muốn chế biến sản phẩm từ thịt lợn sạch nhà nuôi nhưng không biết làm thế nào. Vì vậy, dự án đã trả chi phí cho chị Lan đi học các lớp làm xúc xích, các món chế biến từ thịt lợn. Sau khóa học, chị vay vốn 10 triệu để mày mò thực hành và kinh doanh. Nhờ đó, đến nay chị Lan đã là chủ một thương hiệu xúc xích sạch tại huyện Bắc Hà, sản phẩm của chị đã có tiếng và có mặt ở các hội chợ của tỉnh.
Hay chị Trần Thị Dung ở gần nhà chị Lan, với nguyên liệu sẵn có của địa phương và “năng khiếu” làm măng muối được gia đình, hàng xóm khen nhưng chưa biết làm thế nào để biến thế mạnh của mình thành lợi thế để kinh doanh. Dự án đã giúp đỡ chị, ban đầu chị chỉ e dè làm thử nghiệm một vài lọ, nhưng mỗi năm số lượng măng khô và măng ngâm tỏi ớt đã tăng dần lên và được nhiều cá nhân, địa phương đặt hàng... “Dự án không cung cấp tiền mặt để bà con nông dân đi học, mà chỉ giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đưa nhu cầu để giải quyết. Từ đó kích thích bà con mạnh dạn đưa ra ý tưởng, sau đó hỗ trợ để biến ý tưởng đó thành hiện thực, ban đầu là có thêm thu nhập, sau là động lực để bà con thúc đẩy kinh doanh, xây dựng kinh tế gia đình và hỗ trợ các thành viên trong tổ”, chị Lê Thanh Hương nói.
Thúc đẩy bình đẳng giới
Thông qua tập huấn và hướng dẫn thực hành, dự án đã tập huấn cho hơn 20.000 lượt người tham gia nâng cao năng lực về kỹ năng tiếp thị, kiến thức tài chính, lập kế hoạch kinh doanh, khả năng thương thuyết và hiểu biết pháp lý, trách nhiệm về giới, vấn đề đang khiến cho phụ nữ không được hưởng lợi đầy đủ từ những chuỗi giá trị mà họ tham gia, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, hữu cơ, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra những mối liên kết mới giữa người sản xuất và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị. Dự án đặc biệt chú trọng vào việc hỗ trợ phụ nữ làm nông nghiệp ở quy mô nhỏ và các hợp tác xã để giúp họ tăng cường kỹ năng tiếp thị, kiến thức tài chính, lập kế hoạch kinh doanh, khả năng thương thuyết và hiểu biết pháp lý. Qua đó, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới tại các hộ gia đình và nhóm sản xuất, tăng cường kỹ năng sản xuất và khả năng thương thuyết, kết nối nông dân với doanh nghiệp...
Sau 4 năm thực hiện cho thấy 70% phụ nữ tự tin ra quyết định sản xuất và chi tiêu, 3.000 phụ nữ được tăng thu nhập trong chuỗi giá trị, 1.500 phụ nữ được nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, 31 tổ nhóm sản xuất và 4 hợp tác xã hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, trên 800 cán bộ ngành nông nghiệp tiếp cận thông tin chính thống cập nhật về thị trường, 5 chính sách cấp quốc gia, 3 chương trình, kế hoạch trọng điểm cấp tỉnh được lồng ghép vấn đề giới và thực hiện. Sản phẩm từ quế, thịt lợn được chế biến, đóng gói, đóng hộp, trở thành hàng hóa đến tay người tiêu dùng…
Dự án WEAVE không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập mà còn xây dựng tư duy chủ động, sáng tạo trong sản xuất, gia tăng giá trị của sản phẩm, góp phần vào thúc đẩy bình đẳng giới. “Chị em phụ nữ được hưởng lợi từ dự án đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, khẳng định mình đã tự tin hơn, hiểu biết nhiều hơn về tham gia chuỗi giá trị, về cách thức lập kế hoạch, tìm kiếm thị trường, sản xuất cho ra sản phẩm sạch, đặc biệt là sự chia sẻ công việc giữa nam giới và phụ nữ, giữa những thành viên trong gia đình, trong cộng đồng. Đây là sự phát triển bền vững mà chị em phụ nữ chúng tôi hướng tới”, chị Trần Thị Lan bày tỏ.
QUỲNH HOA